Giờ Thánh Thể - PP Giáo Dục PT/TNTT

Người ta vẫn nói vui: ‘Thiếu Nhi Thánh Thể mà không có Thánh Thể thì chỉ còn là thiếu nhi (thường)’!
Không ai có thể sống được nếu không có của ăn, của uống; Giáo Hội không thể tồn tại nếu không có Bí tích Thánh Thể;
Phong trào sẽ mất phương hướng nếu không có Thánh Thể là lý tưởng (X. Nội quy điều 3). Và một nửa tôn chỉ (tức là linh đạo) của Phong trào cũng chính là ‘kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể’ (nửa kia là ‘sống Lời Chúa’. – X.Nội quy điều 5).
Để ‘kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể’, ngoài việc Rước lễ, chúng ta còn có Ngày Thánh Thể và Giờ Thánh Thể. Hơn nữa, Giờ Thánh Thể cũng chính là một trong năm hình thức giáo dục về phương diện siêu nhiên của Phong trào.
Trong Sa mạc huấn luyện của Phong trào, nếu không có giờ Chầu Thánh Thể, thì đó không còn là Sa mạc huấn luyện nữa. Xưa kia, Thiên Chúa đã nói qua tiên tri Hôsê: ‘Ta sẽ đưa chúng vào Sa mạc. Lòng kề lòng, Ta sẽ nói với chúng’ (Hs 2.16).



I.   TỔNG QUÁT
1.  Mục đích của Giờ Chầu Thánh Thể:
Nhằm đưa các SMS đến gặp Chúa Giêsu Thánh Thể để tâm tình với Chúa: nghe Chúa nói và thưa chuyện với Chúa, để khơi lên ngọn lửa tin yêu nơi các SMS. (Đối với các em nhỏ, đây cũng là cơ hội thuận tiện tập cho các em thói quen Rước lễ thiêng liêng).
2.  Chủ đề của Giờ Chầu Thánh Thể:
Giờ Chầu Thánh Thể phải có một chủ đề. Chủ đề có thể theo cử hành mầu nhiệm trong năm Phụng vụ, có thể theo nhu cầu hoặc theo lời mời gọi của Giáo Hội, cũng có thể tùy theo hoàn cảnh riêng (Sa mạc huấn luyện, tuyên hứa, tĩnh tâm, ở Giáo Xứ…)
3.   Thời điểm, thời gian cho Giờ Chầu Thánh Thể:
Thời điểm phù hợp cho Giờ Chầu Thánh Thể thường là vào buổi tối vì lúc này bầu khí thinh lặng và ấm cúng hơn, bớt những ưu tư lo lắng hơn, nên dễ cảm nhận được sự thánh thiêng hơn và dễ lắng lòng gần gũi Chúa hơn.
Về thời gian: khoảng 45 – 60 phút cho các Sa Mạc huấn luyện Huynh Trưởng, và ít dần nếu lứa tuổi các em nhỏ hơn (Với các em Chiên và Ấu ở Giáo Xứ có thể chỉ 15 – 30 phút).
Tuổi càng nhỏ, thời gian thinh lặng càng ít đi…
4.  Không gian của Giờ Chầu Thánh Thể:
Ưu tiên cho nhà thờ, và ưu tiên hơn nữa là ở vị trí gần bàn thờ nhất (cung thánh). Nếu trong Sa Mạc huấn luyện không có nhà thờ thì có Lều Thánh Thể.
Nếu số lượng tham dự ít, hoặc nếu gian cung thánh rộng, có thể quây quần quanh bàn thờ trên cung thánh; nếu số lượng tham dự đông, hoặc nếu gian cung thánh hẹp, có thể quỳ nơi những hàng ghế giữa và trên cùng. Nói chung, cần chọn chỗ nào gần Thánh Thể nhất nhưng phù hợp, dễ dàng cho vị Linh mục chủ sự di chuyển.
5.  Khung cảnh của Giờ Chầu Thánh Thể:
Bàn thờ: đơn sơ nhưng trang nghiêm. Mình Thánh Chúa phải đặt nơi trang trọng nhất trên bàn thờ.
Ánh sáng: dịu nhẹ nơi cộng đoàn, tập trung rực rỡ nơi bàn thờ.
Âm thanh: ấm cúng, nhẹ nhàng, vừa đủ. Tránh gây tiếng động không cần thiết. Đàn hát phải tâm tình, truyền cảm. Đặc biệt nên có những giây phút thinh lặng để thưa chuyện riêng với Chúa.
Người phụ trách: hạn chế di chuyển. Nếu cần thiết nên có thái độ trang nghiêm, kính cẩn.
Bầu khí chung: thông thoáng, thoải mái…

II.  CHUẨN BỊ
Vật dụng thánh: Hào quang, áo choàng, khăn choàng, sách chầu nến, hương, chuông nhỏ… (nhờ Lễ sinh, người dọn bàn thờ…)
Vật dụng khác: Sách hát, bài hát, lời nguyện, tài liệu, đèn, quạt…
Người phụ trách: soạn sẵn toàn bộ chương trình và các lời dẫn, hướng dẫn và phân công trước, (chọn người) đọc truyền cảm.
Cộng đoàn: trang nghiêm thinh lặng theo sự hướng dẫn của các Trưởng. Nên có thời gian nghỉ ngơi thư giãn nếu liền trước đó các em đã chơi các trò chơi vận động.
Ca đoàn: (nếu có) chỉ hỗ trợ cộng đoàn. Cần ăn ý với người phụ trách, biết trước thứ tự các bài hát, lời nguyện…
Linh mục chủ sự: Cũng được biết trước toàn bộ chương trình.

III.THỰC HIỆN
1.  Chương trình chung:
Hướng ý: (người phụ trách) Nói lên chủ đề giờ Chầu, mời gọi cộng đoàn lắng đọng tâm hồn, ý thức sự hiện diện của Chúa và xin ơn Chúa Thánh Thần giúp ta thưa chuyện với Chúa.
Mở đầu: làm dấu Thánh giá, kinh Chúa Thánh Thần. (Có thể thêm kinh Tin-Cậy-Mến, ăn năn tội để chuẩn bị tâm hồn).
Đặt Mình Thánh Chúa: Linh mục (hoặc Phó tế) chủ sự đặt Mình Thánh Chúa xong, hát thờ lạy Mình Thánh Chúa.
Nội dung Giờ Chầu Thánh Thể.
Thinh lặng.
Phép lành Mình Thánh Chúa: Trước phép lành, có hát ‘Này con là Đá’ – Lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng – hát ‘Đây Nhiệm tích’ – lời nguyện về Thánh Thể…
Kết thúc.
2.  Chương trình chi tiết:
Hướng ý: Phần hướng ý có thể đọc chậm rãi, tâm tình, cùng lúc với việc đoàn rước nến Phục Sinh tiến vào nhà thờ.
Mở đầu: Khi tất cả (kể cả vị chủ sự) quỳ, hát Chúa Thánh Thần…
Đặt Mình Thánh Chúa: Khi hát kinh Chúa Thánh Thần xong, vị chủ sự mở cửa Nhà Tạm mang Mình Thánh Chúa ra bàn thờ (hào quang), hát thờ lạy Chúa (có thể hát nhiều câu tiểu khúc).
Nội dung Giờ Chầu Thánh Thể. Có thể bắt đầu với việc vị chủ sự đọc một đoạn Lời Chúa (cộng đoàn đứng). Sau đó ngài cũng có thể chia sẻ gợi ý đôi điều (ngồi), rồi ngài cúi chào bàn thờ và vào trong (đề chuẩn bị giải tội – nếu có). (Chuẩn bị tòa Giải tội!)
Người hướng dẫn dựa theo đoạn Lời Chúa và phần gợi ý của vị chủ sự và nhất là chủ đề của Giờ Chầu hướng ý ngắn gọn, giúp cộng đoàn nhìn lại bản thân. Sau đó thinh lặng… (Từng người xưng tội, nếu có nhu cầu). Lúc này, mỗi người có thể đứng, ngồi, quỳ tùy theo tâm tình, miễn đừng làm ảnh hưởng chung.
Cứ sau mỗi 5 phút riêng tư với Chúa, từng đại diện Đội tiến lên quỳ trước cung thánh đọc các Lời nguyện sám hối, chúc tụng, tạ ơn, xin ơn… sau mỗi lời nguyện đó, cộng đoàn cùng đáp chung một lời nguyện tắt (đã soạn sẵn), hoặc một bài hát phù hợp với ý nguyện đó. Các lời nguyện này có thể lấy từ các Thánh vịnh, đáp ca, hay trong phụng vụ. Cũng có thể soạn như những lời nguyện suy niệm.
Thời gian thinh lặng, ca đoàn có thể đàn (hoặc mở nhạc) rất nhỏ những bài thánh ca dùng trong phụng vụ (không có lời).
Phép lành Mình Thánh Chúa: sau khi đã giải tội xong, hoặc thời gian đã hết, vị Chủ sự lại tiến ra bàn thờ. (Mọi người cùng quỳ) Lúc đó bắt đầu hát ‘Này con là Đá’…
Trong Sa mạc huấn luyện, ngày đầu tiên là Ngày Cầu Nguyện, mà đỉnh cao của Ngày Cầu Nguyện chính là Giờ Chầu Thánh Thể. Trong Giờ Thánh Thể, đỉnh cao chính là giây phút này đây: Phép lành Thánh Thể!
Kết thúc. Khi vị Chủ sự đã cất Mình Thánh Chúa, tất cả cùng đứng lên kết thúc. Nên kết thúc bằng một bài hát vui tươi, nói về niềm vui được gặp Chúa, hoặc niềm vui được sai đi trong sứ vụ, hoặc niềm hân hoan được hiệp nhất với anh em trong Chúa. Cũng có thể hát về Mẹ, Thánh Tâm, các Đẳng… tùy Phụng vụ.

0 nhận xét:

Đời sống đạo đức và tư cách tác phong của người Huynh Trưởng - TNTT


‘Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo!’

Một HT TNTT không những là một GLV, nhưng còn là một người bạn, một người anh, một người chị, một người Thầy… Các em thiếu nhi có nên người và nên thánh hay không, không phải chỉ nhờ vào lời giảng dạy của chúng ta nhưng chủ yếu là nhờ vào đời sống đạo đức (siêu nhiên) của chúng ta và nhờ vào tư cách tác phong (tự nhiên) của chúng ta nữa…



1/. ‘Các con hãy tin những điều mình đã học, hãy dạy những điều mình đã tin và hãy sống những điều mình đã dạy’. (Lời vị Giám Mục Chủ Phong ngỏ với các Tân chức Linh Mục, Thánh Lễ Truyền chức).

2/. ‘Mỗi chúng ta vừa là đích điểm vừa là khởi điểm của việc rèn luyện: chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác’. (ĐGH GP II trong Tông Huấn Kytô Hữu Giáo Dân, số 7).

3/. ‘Học và dạy cũng là củng cố đức tin cho anh chị em mình. Bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội Lữ Hành, chúng ta còn là học trò và còn là Thầy dạy Đức Tin bằng chứng từ cuộc sống của chúng ta’. (Thư chung HĐGMVN 2007, số 21).




I- ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG.



1-     Sống đạo là gì ? (What)

Sống đạo là thể hiện đức tin của mình bằng đời sống.

Đạo là đường. Trên con đường đó, chúng ta hành trình, chúng ta tiến tới. Chúng ta cần nỗ lực kết hợp với Chúa và thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày một cách tự nguyện hầu trở thành một Kitô hữu hoàn hảo.

2-       Vì sao ta phải sống đạo ? (Why)

Vì đạo không chỉ là một mớ lý thuyết, nhưng là cuộc sống.

Ta phải sống đạo để tìm hạnh phúc cho chính mình và cho những người xung quanh mình, nhất là cho những người thân yêu của mình.

Sống đạo không phải là sống cho riêng mình. Nhưng sống đạo là sống VÌ,  sống VỚI và sống CHO người khác, nên ta phải giới thiệu Chúa Kytô cho mọi người bằng chính đời sống của ta.

Sau cùng, vì là Huynh Trưởng, tức là người chỉ huy đoàn quân tí hon, nên:

Sống đạo để điều khiển đoàn viên: ‘Không ai có thể cho cái mà mình không có’, ‘Chúng con là ánh sáng thế gian’. (Mt 5.14)

Sống đạo để ta có sức thu hút các em. Nhờ đó, mỗi việc làm, lời nói, cử chỉ của chúng ta đều được các em bắt chước (ICor 11.1) và có thể lôi cuốn các em đến với Chúa.

3- Sống đạo thế nào ? (How)

Trung tâm của đời sống đạo đức của Huynh Trưởng là chính Chúa Kytô, vì Ngài là bạn tâm phúc của ta. Chúng ta sẽ gặp được Ngài nơi Thánh Kinh và Thánh Thể (Thánh Kinh, Thánh Thể còn là nền tảng của PT); Chúng ta còn gặp và nhận ra Chúa nơi anh chị em mình.

+ Huynh Trưởng gặp gỡ Chúa Giêsu qua Thánh Kinh :

Huynh Trưởng cần siêng năng học hỏi Thánh Kinh vì chúng ta đã tự nguyện hiến thân phục vụ cho Chúa, là chứng nhân, là dấu chỉ của Chúa Kytô và là tông đồ của Ngài. Thánh Kinh là nền tảng cho hành động và sứ mệnh tông đồ của người Huynh Trưởng.

Thánh Jêrônimô nói: ‘Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kytô’.

+ Huynh Trưởng gặp gỡ Chúa Giêsu nơi Thánh Thể :

Thánh Thể chính là nguồn sinh lực, là nguồn sống thiêng liêng, là động lực và là trung tâm mọi hoạt động tông đồ của người Kytô hữu nói chung, và của người Huynh Trưởng nói riêng. Vì thế Huynh Trưởng phải siêng năng:

Tham dự Thánh Lễ – Dự tiệc Thánh Thể – Năng viếng Chúa luôn.

Khi kết hợp với Thánh Thể, đời sống thường ngày của người Huynh Trưởng sẽ được thánh hoá. Hoạt động tông đồ sẽ có hồn hơn (Hồn Tông Đồ) chứ không phải làm như một kỹ năng. Huynh Trưởng sẽ hăng hái chu toàn trách nhiệm.



Đạo đức của một người Huynh Trưởng không phải là một loại đạo đức tầm thường – ấu trĩ – giả tạo, nhưng là một đời sống đạo đức được đào luyện, sáng chói những nhân đức:

* Tin – Cậy – Mến (3 nhân đức Đối Thần).

* Khôn ngoan – Công bằng – Can đảm – Tiết độ (4 nhân đức Luân Lý).

* Vâng lời – Trong sạch – Khó nghèo (3 nhân đức Phúc Âm).

* Khiêm nhường – Hiền lành (2 nhân đức Chúa Giêsu).

II- TƯ CÁCH TÁC PHONG CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG.



Tư cách: là nét riêng của mỗi người.

Tác phong: là sự biểu lộ tư cách ra bên ngoài

Mt 28.19 không phải là một lời khuyên, đúng hơn đó là một lệnh truyền, một lời trăn trối của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta. Vậy Huynh Trưởng chúng ta là những người có trách nhiệm thực thi sứ mạng hướng dẫn và giáo dục các em.
- Trách nhiệm: lập Đoàn thì dễ, nhưng duy trì và phát triển Đoàn mới khó.

- Sứ mạng: Huynh Trưởng không phải là một nghề…

Do đó, tư cách của một Huynh Trưởng sẽ được thể hiện thành những tác phong với những đức tính như: vui vẻ, lịch sự, điềm tĩnh, tế nhị, kiên nhẫn, bao dung, trách nhiệm, cầu tiến, phục thiện, chân thành, kỹ lưỡng…

Tư cách tác phong của một Huynh Trưởng còn được thể hiện bằng:

* Một đời sống gương mẫu (Thời nay người ta cần những chứng nhân hơn là Thầy dạy, nhưng nếu có ai cần đến Thầy dạy là vì người Thầy ấy cũng chính là một chứng nhân – ĐGH Phaolô VI).

* Một tình yêu chân thật (phổ quát, vô vị lợi, trong sáng, dám hy sinh).

* Một ý chí kiên cường (nhẫn nại, điềm tĩnh).

* Cầu Nguyện – Rước Lễ – Hy Sinh – Làm Tông Đồ:

Huynh Trưởng là một đóa hoa,

Sắc là Cầu nguyện, Hương là Hy Sinh.

Làm việc Tông Đồ hết mình,

Mở hồn đón nhận Ân tình trời cao.

Hẳn nhiên chính chiếc khăn quàng trên vai chúng ta cũng làm người khác nhận ra Chúa Kytô hiện diện nơi chúng ta, nhưng dù sao đi nữa thì ‘Áo mặc không làm nên thấy tu’, nên các em thiếu nhi và cả phụ huynh các em nữa vẫn cần và rất cần đến một lời chứng khác hùng hồn hơn nơi chính cuộc sống từng ngày của chúng ta thể hiện qua tư cách - tác phong:

Hướng thượng: để kết hợp với Chúa.

Hướng tha: để tôn trọng, cởi mở.

Hướng thân: để luyện tập và thăng hoá.



*Kết: ‘Lạy Chúa Giêsu Huynh Trưởng Tối Cao…’

0 nhận xét:

Chương trình thăng tiến

I. CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN LÀ GÌ.

Là chương trình huấn luyện tổng quát (lý thuyết + thực hành) và dài hạn (tiệm tiến), xuyên suốt từ thấp lên cao theo từng lứa tuổi của Đoàn sinh, bằng phương pháp của Phong Trào, đúng tôn chỉ + bản chất của Phong Trào, nhằm thăng tiến từng Đoàn sinh một theo đúng mục đích của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam.




II. NỘI DUNG CHÍNH CỦA CT THĂNG TIẾN.

Nội dung của chương trình thăng tiến gồm 4 phần chính: Giáo Lý, Nhân bản, PT TNTT và Kỹ năng chuyên môn.

1- Giáo Lý:

PT TNTT được thành lập như là một phương tiện nhằm giáo dục toàn diện cho giới trẻ, trong đó nhấn mạnh giáo dục đức tin. Vì vậy, Giáo Lý phải là trọng tâm của chương trình giáo dục thiếu nhi.

Tại TGP TPHCM, Ban MV Thiếu Nhi đã biên soạn và áp dụng một chương trình Giáo Lý xuyên suốt và khá toàn diện trong gần một thập niên qua:

a)    Giáo Lý Khai Tâm (2 năm): Học về Thiên Chúa tạo dựng; Chúa Giêsu làm người, dạy dỗ và yêu thương ta.

b)    Giáo Lý Rước Lễ (2 năm): Học về Chúa Giêsu, về Bí tích Thánh Thể, chuẩn bị tâm hồn để đón rước Chúa, sống và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ.

c)    Giáo Lý Thêm Sức (2 năm): Học về Dân Thiên Chúa, mối liên hệ giữa Dân cũ và Dân mới, Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và nơi mỗi người; chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức.

d)    Giáo Lý Bao Đồng (4 năm): Học thực hành Sống Đạo qua việc tham dự các cử hành Phụng Vụ – Bí Tích, thực hành đời sống Nhân bản, học sâu hơn về Giáo Hội và nhất là phần Lịch sử Cứu độ.

e)    Giáo Lý Vào Đời (2 năm): Sống Luật Chúa (Luân Lý) một cách ý thức và tự nguyện; học hỏi về lịch sử Giáo Hội để hiểu biết và yêu mến Giáo Hội vì ý thức mình là thành phần của Giáo Hội.

2- Nhân Bản:

Chương trình giáo dục Nhân Bản Kytô giáo đúng nghĩa phải căn cứ trên:

-       Quy luật phát triển (tâm sinh lý) tự nhiên của con người,

-       Môi trường sống và hoàn cảnh sống cụ thể,

-       Tương quan giữa con con người với nhau và với môi trường sống để qua đó, nhằm giúp cho các em:

-       Sống và phát triển bản thân một cách tự nhiên nhưng có hướng dẫn,

-       Hài hoà với môi trường và sống tốt các mối tương quan có chọn lựa,

-       Phát triển lành mạnh nhờ thấm nhuần các giá trị của cuộc sống.

Chương trình giáo dục Nhân Bản như thế bao gồm:

a)    Ngành Ấu: Tập sống các mối tương quan: Gia Đình (ông bà, cha mẹ, anh chị em…); Thân Tộc (nguồn cội gia đình, mối quan hệ và sống tinh thần gia tộc…); Học Đường (thầy cô, bạn bè…)  Lễ phép!

b)    Ngành Thiếu: Nội quan (tự nhìn lại, đánh giá, nhận xét và tìm hiểu chính bản thân mình) để từ đó tập sống các mối tương quan Làng Xóm, Cộng Đồng Giáo Xứ  Lịch sự!

c)    Ngành Nghĩa: Tập sống cao thượng, tôn trọng thân xác; học biết về những sinh hoạt và điều hành trong Giáo Xứ; tham gia, cộng tác với các sinh hoạt trong Giáo Xứ…  Tính cộng đồng!

Chương trình giáo dục Nhân Bản thường được dạy bằng các phương pháp thực tiễn, ngoài trời, gần gũi thiên nhiên và luôn kèm theo những trò chơi, bài hát, băng reo… thú vị, phù hợp và cuốn hút.

3- Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể:

a) Ngành Ấu: Không lý thuyết nhiều nên không cần chép bài. Chỉ cần giúp các em thực hành nhuần nhuyễn cách tập họp, cách chào; thuộc bài ‘Thiếu Nhi Tân Hành Ca’ và các bài hát khác của PT; biết đồng phục của PT, nhận ra cấp Đoàn sinh qua khăn, cấp hiệu… bằng thực hành.

b) Ngành Thiếu: Lý thuyết chỉ cần ngắn gọn, súc tích. Tập thói quen cầu nguyện, dâng ngày, siêng đến với Thánh Thể. 10 Luật Sống, Thực hiện Hoa Thiêng, Ý nghĩa cách chào và cách tổ chức Đoàn Thiếu Nhi, hiểu và sống tôn chỉ của Phong Trào; Nghiêm tập…

c) Ngành Nghĩa: Chủ yếu dùng Nội Quy Phong Trào để giải thích những gì các em đã được học và thực hành nhuần nhuyễn ở Ngành Ấu và Thiếu. Ngoài ra cũng giải thích cho các em hiểu và thực hành một cách tương đối Bản Nội Quy của PT.

4- Kỹ năng chuyên môn:

Chuyên môn ở đây được coi như phương tiện giúp các em khéo léo hơn đạt nhiều hiệu quả trong cuộc sống thường nhật, góp phần đào luyện con người trưởng thành.

a)    Ngành Ấu: Giúp các em biết vệ sinh bản thân, điều độ, tập thể dục; Làm việc trong gia đình, giúp đỡ cha mẹ trong khả năng, tổ chức chỗ học riêng; Nhận biết một số dấu hiệu giao thông đơn giản…

b)    Ngành Thiếu: Dấu hiệu giao thông, dấu đường trong trò chơi lớn (hành trình sa mạc), bài ca sinh hoạt; Nút dây, Morse, dựng và trang trí lều trại; Mật thư, trò chơi…

c)    Ngành Nghĩa: Ước đạc, bản đồ, cự ly; Phương hướng, chòm sao, địa bàn, hải bàn, hoạ đồ; Đọc và tóm lược sách, kể lại và nhận xét…



III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHÁC.

Ngoài chương trình thăng tiến chung cho Đoàn sinh, còn có các chương trình huấn luyện khác cũng có thể được coi là chương trình thăng tiến:

1- Đối với Đoàn sinh:

Đối với một số Đoàn sinh ưu tuyển còn có một chương trình huấn luyện khác nữa thường được gọi là chương trình huấn luyện Tông Đồ Đội Trưởng, nhằm đào tạo các em thành những Đội Trưởng gương mẫu và giúp các em làm Tông Đồ cho các bạn cùng trang lứa với mình, ở trong Đội của mình.

2- Đối với Dự Trưởng:

Với các Đoàn sinh đã qua Ngành Nghĩa, đa số các em vẫn còn được tiếp tục huấn luyện để trở thành những Dự Trưởng (tức Huynh Trưởng Dự Bị) để giúp các Huynh Trưởng trong việc điều hành Đội hoặc Chi Đoàn, đồng thời cũng là để thực tập công tác của một Giáo Lý Viên – Huynh Trưởng.

3- Đối với các Huynh Trưởng:

Các Huynh Trưởng vẫn phải trải qua các Sa mạc huấn luyện để có thể  được tuyên hứa, công nhận hoặc thăng cấp. Các Sa mạc huấn luyện này dù cho với hình thức nào thì vẫn theo một chương trình Thăng Tiến, đó là chúng ta chưa kể đến các đợt Thường Huấn dành cho các Trưởng.

* Tóm lại : Chương trình Thăng Tiến thật sự rất cần thiết cho Đoàn Sinh, giúp các em lớn lên và trưởng thành đến tầm vóc mà Đức Kytô kêu gọi: ‘Các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng Hoàn Hảo’ (Mt 5.48) nhất là trong thời buổi các giá trị bị đảo lộn như hiện nay.

0 nhận xét: