Người ta vẫn nói
vui: ‘Thiếu Nhi Thánh Thể mà không có Thánh Thể thì chỉ còn là
thiếu nhi (thường)’!
Không ai có thể sống
được nếu không có của ăn, của uống; Giáo Hội không thể tồn tại nếu
không có Bí tích Thánh Thể;
Phong trào sẽ mất
phương hướng nếu không có Thánh Thể là lý tưởng (X. Nội quy điều 3).
Và một nửa tôn chỉ (tức là linh đạo) của Phong trào cũng chính là
‘kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể’ (nửa kia là ‘sống Lời
Chúa’. – X.Nội quy điều 5).
Để ‘kết hợp mật
thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể’, ngoài việc Rước lễ, chúng ta còn
có Ngày Thánh Thể và Giờ Thánh Thể. Hơn nữa, Giờ Thánh Thể cũng
chính là một trong năm hình thức giáo dục về phương diện siêu nhiên
của Phong trào.
Trong Sa mạc huấn
luyện của Phong trào, nếu không có giờ Chầu Thánh Thể, thì đó không
còn là Sa mạc huấn luyện nữa. Xưa kia, Thiên Chúa đã nói qua tiên tri
Hôsê: ‘Ta sẽ đưa chúng vào Sa mạc. Lòng kề lòng, Ta sẽ nói với
chúng’ (Hs 2.16).
I. TỔNG QUÁT
1. Mục đích của Giờ Chầu Thánh Thể:
Nhằm đưa các SMS đến
gặp Chúa Giêsu Thánh Thể để tâm tình với Chúa: nghe Chúa nói và thưa
chuyện với Chúa, để khơi lên ngọn lửa tin yêu nơi các SMS. (Đối với
các em nhỏ, đây cũng là cơ hội thuận tiện tập cho các em thói quen
Rước lễ thiêng liêng).
2. Chủ đề của Giờ Chầu Thánh Thể:
Giờ Chầu Thánh Thể
phải có một chủ đề. Chủ đề có thể theo cử hành mầu nhiệm trong năm
Phụng vụ, có thể theo nhu cầu hoặc theo lời mời gọi của Giáo Hội,
cũng có thể tùy theo hoàn cảnh riêng (Sa mạc huấn luyện, tuyên hứa,
tĩnh tâm, ở Giáo Xứ…)
3. Thời
điểm, thời gian cho Giờ Chầu Thánh Thể:
Thời điểm phù hợp
cho Giờ Chầu Thánh Thể thường là vào buổi tối vì lúc này bầu khí
thinh lặng và ấm cúng hơn, bớt những ưu tư lo lắng hơn, nên dễ cảm
nhận được sự thánh thiêng hơn và dễ lắng lòng gần gũi Chúa hơn.
Về thời gian: khoảng
45 – 60 phút cho các Sa Mạc huấn luyện Huynh Trưởng, và ít dần nếu
lứa tuổi các em nhỏ hơn (Với các em Chiên và Ấu ở Giáo Xứ có thể
chỉ 15 – 30 phút).
Tuổi càng nhỏ, thời
gian thinh lặng càng ít đi…
4. Không gian của Giờ Chầu Thánh Thể:
Ưu tiên cho nhà thờ,
và ưu tiên hơn nữa là ở vị trí gần bàn thờ nhất (cung thánh). Nếu
trong Sa Mạc huấn luyện không có nhà thờ thì có Lều Thánh Thể.
Nếu số lượng tham
dự ít, hoặc nếu gian cung thánh rộng, có thể quây quần quanh bàn thờ
trên cung thánh; nếu số lượng tham dự đông, hoặc nếu gian cung thánh
hẹp, có thể quỳ nơi những hàng ghế giữa và trên cùng. Nói chung,
cần chọn chỗ nào gần Thánh Thể nhất nhưng phù hợp, dễ dàng cho vị
Linh mục chủ sự di chuyển.
5. Khung cảnh của Giờ Chầu Thánh Thể:
Bàn thờ: đơn sơ nhưng trang nghiêm. Mình Thánh Chúa
phải đặt nơi trang trọng nhất trên bàn thờ.
Ánh sáng: dịu nhẹ nơi cộng đoàn, tập trung rực rỡ
nơi bàn thờ.
Âm thanh: ấm cúng, nhẹ nhàng, vừa đủ. Tránh gây
tiếng động không cần thiết. Đàn hát phải tâm tình, truyền cảm. Đặc
biệt nên có những giây phút thinh lặng để thưa chuyện riêng với Chúa.
Người phụ trách: hạn chế di chuyển. Nếu cần thiết nên có
thái độ trang nghiêm, kính cẩn.
Bầu khí chung: thông thoáng, thoải mái…
II. CHUẨN BỊ
Vật dụng thánh: Hào quang, áo choàng, khăn choàng, sách
chầu nến, hương, chuông nhỏ… (nhờ Lễ sinh, người dọn bàn thờ…)
Vật dụng khác: Sách hát, bài hát, lời nguyện, tài
liệu, đèn, quạt…
Người phụ trách: soạn sẵn toàn bộ chương trình và các lời
dẫn, hướng dẫn và phân công trước, (chọn người) đọc truyền cảm.
Cộng đoàn: trang nghiêm thinh lặng theo sự hướng dẫn
của các Trưởng. Nên có thời gian nghỉ ngơi thư giãn nếu liền trước
đó các em đã chơi các trò chơi vận động.
Ca đoàn: (nếu có) chỉ hỗ trợ cộng đoàn. Cần ăn
ý với người phụ trách, biết trước thứ tự các bài hát, lời nguyện…
Linh mục chủ sự: Cũng được biết trước toàn bộ chương
trình.
III.THỰC HIỆN
1. Chương trình chung:
Hướng ý: (người phụ trách) Nói lên chủ đề giờ
Chầu, mời gọi cộng đoàn lắng đọng tâm hồn, ý thức sự hiện diện
của Chúa và xin ơn Chúa Thánh Thần giúp ta thưa chuyện với Chúa.
Mở đầu: làm dấu Thánh giá, kinh Chúa Thánh Thần.
(Có thể thêm kinh Tin-Cậy-Mến, ăn năn tội để chuẩn bị tâm hồn).
Đặt Mình Thánh Chúa: Linh mục (hoặc Phó tế) chủ sự
đặt Mình Thánh Chúa xong, hát thờ lạy Mình Thánh Chúa.
Nội dung Giờ Chầu Thánh Thể.
Thinh lặng.
Phép lành Mình Thánh Chúa: Trước phép lành, có
hát ‘Này con là Đá’ – Lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng – hát ‘Đây
Nhiệm tích’ – lời nguyện về Thánh Thể…
Kết thúc.
2. Chương trình chi tiết:
Hướng ý: Phần hướng ý có thể đọc chậm rãi, tâm
tình, cùng lúc với việc đoàn rước nến Phục Sinh tiến vào nhà thờ.
Mở đầu: Khi tất cả (kể cả vị chủ sự) quỳ, hát
Chúa Thánh Thần…
Đặt Mình Thánh Chúa: Khi hát kinh Chúa Thánh Thần xong,
vị chủ sự mở cửa Nhà Tạm mang Mình Thánh Chúa ra bàn thờ (hào
quang), hát thờ lạy Chúa (có thể hát nhiều câu tiểu khúc).
Nội dung Giờ Chầu Thánh Thể. Có thể bắt đầu với việc vị chủ sự đọc một đoạn
Lời Chúa (cộng đoàn đứng). Sau đó ngài cũng có thể chia sẻ gợi ý
đôi điều (ngồi), rồi ngài cúi chào bàn thờ và vào trong (đề chuẩn
bị giải tội – nếu có). (Chuẩn bị tòa Giải tội!)
Người hướng dẫn dựa
theo đoạn Lời Chúa và phần gợi ý của vị chủ sự và nhất là chủ
đề của Giờ Chầu hướng ý ngắn gọn, giúp cộng đoàn nhìn lại bản
thân. Sau đó thinh lặng… (Từng người xưng tội, nếu có nhu cầu). Lúc
này, mỗi người có thể đứng, ngồi, quỳ tùy theo tâm tình, miễn đừng
làm ảnh hưởng chung.
Cứ sau mỗi 5 phút
riêng tư với Chúa, từng đại diện Đội tiến lên quỳ trước cung thánh
đọc các Lời nguyện sám hối, chúc tụng, tạ ơn, xin ơn… sau mỗi lời
nguyện đó, cộng đoàn cùng đáp chung một lời nguyện tắt (đã soạn
sẵn), hoặc một bài hát phù hợp với ý nguyện đó. Các lời nguyện
này có thể lấy từ các Thánh vịnh, đáp ca, hay trong phụng vụ. Cũng
có thể soạn như những lời nguyện suy niệm.
Thời gian thinh lặng,
ca đoàn có thể đàn (hoặc mở nhạc) rất nhỏ những bài thánh ca dùng
trong phụng vụ (không có lời).
Phép lành Mình Thánh Chúa: sau khi đã giải tội
xong, hoặc thời gian đã hết, vị Chủ sự lại tiến ra bàn thờ. (Mọi
người cùng quỳ) Lúc đó bắt đầu hát ‘Này con là Đá’…
Trong Sa mạc huấn
luyện, ngày đầu tiên là Ngày Cầu Nguyện, mà đỉnh cao của Ngày Cầu
Nguyện chính là Giờ Chầu Thánh Thể. Trong Giờ Thánh Thể, đỉnh cao
chính là giây phút này đây: Phép lành Thánh Thể!
Kết thúc. Khi vị Chủ sự đã cất Mình Thánh Chúa, tất
cả cùng đứng lên kết thúc. Nên kết thúc bằng một bài hát vui tươi,
nói về niềm vui được gặp Chúa, hoặc niềm vui được sai đi trong sứ
vụ, hoặc niềm hân hoan được hiệp nhất với anh em trong Chúa. Cũng có
thể hát về Mẹ, Thánh Tâm, các Đẳng… tùy Phụng vụ.