Đời sống đạo đức và tư cách tác phong của người Huynh Trưởng - TNTT
‘Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo!’
Một HT TNTT không những là một GLV, nhưng còn là một người bạn, một người anh, một người chị, một người Thầy… Các em thiếu nhi có nên người và nên thánh hay không, không phải chỉ nhờ vào lời giảng dạy của chúng ta nhưng chủ yếu là nhờ vào đời sống đạo đức (siêu nhiên) của chúng ta và nhờ vào tư cách tác phong (tự nhiên) của chúng ta nữa…
1/. ‘Các con hãy tin những điều mình đã học, hãy dạy những điều mình đã tin và hãy sống những điều mình đã dạy’. (Lời vị Giám Mục Chủ Phong ngỏ với các Tân chức Linh Mục, Thánh Lễ Truyền chức).
2/. ‘Mỗi chúng ta vừa là đích điểm vừa là khởi điểm của việc rèn luyện: chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác’. (ĐGH GP II trong Tông Huấn Kytô Hữu Giáo Dân, số 7).
3/. ‘Học và dạy cũng là củng cố đức tin cho anh chị em mình. Bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội Lữ Hành, chúng ta còn là học trò và còn là Thầy dạy Đức Tin bằng chứng từ cuộc sống của chúng ta’. (Thư chung HĐGMVN 2007, số 21).
I- ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG.
1- Sống đạo là gì ? (What)
Sống đạo là thể hiện đức tin của mình bằng đời sống.
Đạo là đường. Trên con đường đó, chúng ta hành trình, chúng ta tiến tới. Chúng ta cần nỗ lực kết hợp với Chúa và thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày một cách tự nguyện hầu trở thành một Kitô hữu hoàn hảo.
2- Vì sao ta phải sống đạo ? (Why)
Vì đạo không chỉ là một mớ lý thuyết, nhưng là cuộc sống.
Ta phải sống đạo để tìm hạnh phúc cho chính mình và cho những người xung quanh mình, nhất là cho những người thân yêu của mình.
Sống đạo không phải là sống cho riêng mình. Nhưng sống đạo là sống VÌ, sống VỚI và sống CHO người khác, nên ta phải giới thiệu Chúa Kytô cho mọi người bằng chính đời sống của ta.
Sau cùng, vì là Huynh Trưởng, tức là người chỉ huy đoàn quân tí hon, nên:
Sống đạo để điều khiển đoàn viên: ‘Không ai có thể cho cái mà mình không có’, ‘Chúng con là ánh sáng thế gian’. (Mt 5.14)
Sống đạo để ta có sức thu hút các em. Nhờ đó, mỗi việc làm, lời nói, cử chỉ của chúng ta đều được các em bắt chước (ICor 11.1) và có thể lôi cuốn các em đến với Chúa.
3- Sống đạo thế nào ? (How)
Trung tâm của đời sống đạo đức của Huynh Trưởng là chính Chúa Kytô, vì Ngài là bạn tâm phúc của ta. Chúng ta sẽ gặp được Ngài nơi Thánh Kinh và Thánh Thể (Thánh Kinh, Thánh Thể còn là nền tảng của PT); Chúng ta còn gặp và nhận ra Chúa nơi anh chị em mình.
+ Huynh Trưởng gặp gỡ Chúa Giêsu qua Thánh Kinh :
Huynh Trưởng cần siêng năng học hỏi Thánh Kinh vì chúng ta đã tự nguyện hiến thân phục vụ cho Chúa, là chứng nhân, là dấu chỉ của Chúa Kytô và là tông đồ của Ngài. Thánh Kinh là nền tảng cho hành động và sứ mệnh tông đồ của người Huynh Trưởng.
Thánh Jêrônimô nói: ‘Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kytô’.
+ Huynh Trưởng gặp gỡ Chúa Giêsu nơi Thánh Thể :
Thánh Thể chính là nguồn sinh lực, là nguồn sống thiêng liêng, là động lực và là trung tâm mọi hoạt động tông đồ của người Kytô hữu nói chung, và của người Huynh Trưởng nói riêng. Vì thế Huynh Trưởng phải siêng năng:
Tham dự Thánh Lễ – Dự tiệc Thánh Thể – Năng viếng Chúa luôn.
Khi kết hợp với Thánh Thể, đời sống thường ngày của người Huynh Trưởng sẽ được thánh hoá. Hoạt động tông đồ sẽ có hồn hơn (Hồn Tông Đồ) chứ không phải làm như một kỹ năng. Huynh Trưởng sẽ hăng hái chu toàn trách nhiệm.
Đạo đức của một người Huynh Trưởng không phải là một loại đạo đức tầm thường – ấu trĩ – giả tạo, nhưng là một đời sống đạo đức được đào luyện, sáng chói những nhân đức:
* Tin – Cậy – Mến (3 nhân đức Đối Thần).
* Khôn ngoan – Công bằng – Can đảm – Tiết độ (4 nhân đức Luân Lý).
* Vâng lời – Trong sạch – Khó nghèo (3 nhân đức Phúc Âm).
* Khiêm nhường – Hiền lành (2 nhân đức Chúa Giêsu).
II- TƯ CÁCH TÁC PHONG CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG.
Tư cách: là nét riêng của mỗi người.
Tác phong: là sự biểu lộ tư cách ra bên ngoài
Mt 28.19 không phải là một lời khuyên, đúng hơn đó là một lệnh truyền, một lời trăn trối của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta. Vậy Huynh Trưởng chúng ta là những người có trách nhiệm thực thi sứ mạng hướng dẫn và giáo dục các em.
- Trách nhiệm: lập Đoàn thì dễ, nhưng duy trì và phát triển Đoàn mới khó.
- Sứ mạng: Huynh Trưởng không phải là một nghề…
Do đó, tư cách của một Huynh Trưởng sẽ được thể hiện thành những tác phong với những đức tính như: vui vẻ, lịch sự, điềm tĩnh, tế nhị, kiên nhẫn, bao dung, trách nhiệm, cầu tiến, phục thiện, chân thành, kỹ lưỡng…
Tư cách tác phong của một Huynh Trưởng còn được thể hiện bằng:
* Một đời sống gương mẫu (Thời nay người ta cần những chứng nhân hơn là Thầy dạy, nhưng nếu có ai cần đến Thầy dạy là vì người Thầy ấy cũng chính là một chứng nhân – ĐGH Phaolô VI).
* Một tình yêu chân thật (phổ quát, vô vị lợi, trong sáng, dám hy sinh).
* Một ý chí kiên cường (nhẫn nại, điềm tĩnh).
* Cầu Nguyện – Rước Lễ – Hy Sinh – Làm Tông Đồ:
Huynh Trưởng là một đóa hoa,
Sắc là Cầu nguyện, Hương là Hy Sinh.
Làm việc Tông Đồ hết mình,
Mở hồn đón nhận Ân tình trời cao.
Hẳn nhiên chính chiếc khăn quàng trên vai chúng ta cũng làm người khác nhận ra Chúa Kytô hiện diện nơi chúng ta, nhưng dù sao đi nữa thì ‘Áo mặc không làm nên thấy tu’, nên các em thiếu nhi và cả phụ huynh các em nữa vẫn cần và rất cần đến một lời chứng khác hùng hồn hơn nơi chính cuộc sống từng ngày của chúng ta thể hiện qua tư cách - tác phong:
Hướng thượng: để kết hợp với Chúa.
Hướng tha: để tôn trọng, cởi mở.
Hướng thân: để luyện tập và thăng hoá.
*Kết: ‘Lạy Chúa Giêsu Huynh Trưởng Tối Cao…’
About author: phongzidan
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét: